Những con chip này – "trái tim" của chiếc điện thoại iPhone cùng nhiều sản phẩm Apple khác của tương lai – đang phải trải qua một trong những bài kiểm tra khắc nghiệt nhất ngay từ khi vừa mới được xuất xưởng. Hàng trăm bảng mạch được bố trí khắp căn phòng, các con chip được nối với các bảng mạch bằng vô số sợi dây điện – và đó là nơi những con chip phải "chịu đựng" quy trình thử nghiệm sản phẩm vô cùng khắt khe của Apple.
Những con chip được thử nghiệm cẩn thận tại cơ sở này để kiểm tra xem liệu chúng có thể hoạt động bền bỉ và chịu đựng được tất cả những va đập, hư hỏng do người dùng gây ra trong quá trình sử dụng, hoặc những biện pháp can thiệp từ bên ngoài nhằm sửa đổi, thu thập dữ liệu hay không. Nếu chúng vượt qua được các bài thử nghiệm tại đây, thì Apple có thể yên tâm rằng khi được bán ra thị trường, chúng sẽ hoạt động tốt theo đúng thiết kế và kì vọng của các chuyên gia Apple. Những con chip này là hàng rào bảo vệ quan trọng trong "cuộc chiến" của Apple nhằm bảo vệ dữ liệu của người dùng trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
Có thể nói, đây thực sự là một "trận chiến" của Apple chống lại rất nhiều đối thủ: từ các cơ quan chính phủ muốn truy cập vào dữ liệu của người dùng iPhone để phục vụ nhiều mục đích khác nhau (mà trong nhiều trường hợp, họ cho là để phục vụ điều tra các vụ án) đến những tin tặc muốn tấn công xâm nhập vào bên trong thiết bị để giành quyền kiểm soát và thay đổi chúng theo ý muốn của mình, và cả các công ty muốn "vượt rào" các quy định và chính sách về quyền riêng tư nghiêm ngặt của Apple. Apple cần phải có những biện pháp kĩ thuật tiên tiến để đối phó với nhiều tình huống khác nhau, chẳng hạn như khi họ từ chối cung cấp thông tin trên chiếc điện thoại iPhone của tên tội phạm, những thông tin mà chính phủ Mỹ cho rằng có thể hỗ trợ hoạt động chống khủng bố, và cả việc Táo khuyết đồng ý hoạt động tại Trung Quốc, ngay cả khi luật pháp nước này buộc Apple phải lưu trữ các thông tin cá nhân của người dùng Trung Quốc tại các trung tâm dữ liệu mà chính phủ nước này có quyền truy cập gần như không hạn chế.
Nhiều nhà phê bình đã chỉ trích cách làm này của Apple và cho rằng, việc Apple quá quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng đã làm hạn chế các tính năng của thiết bị, và chỉ có thể thực hiện được với tiềm lực tài chính khổng lồ của công ty – số tiền ấy lại đến từ doanh thu của những sản phẩm có mức giá cao ngất ngưởng. Điều này vô tình đã làm hạn chế những đối tượng người dùng có khả năng tiếp cận với các thiết bị do Apple sản xuất, những người không có khả năng hoặc không muốn chi trả những khoản chi phí lớn đến như vậy.
Tuy nhiên, Apple lại cho rằng những "cuộc chiến" như vậy là cần thiết và lập luận rằng, quyền riêng tư là một quyền cơ bản của con người, cần được bảo đảm ngay cả khi hãng phải đối mặt với những khó khăn và các làn sóng chỉ trích lớn từ bên ngoài.
Đối với công ty, quyền riêng tư vừa là một vấn đề về kĩ thuật, vừa là một vấn đề liên quan đến chính sách. Apple cho rằng, bảo mật dữ liệu là một trong những yếu tố trung tâm, cốt lõi mà công ty luôn cố gắng duy trì, và đồng thời ứng dụng vào thực tế, thông qua việc thiết kế và sản xuất những sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí đó.
Các sản phẩm của Apple, ngay từ những giai đoạn phát triển đầu tiên, đã được xây dựng để tuân thủ cam kết của hãng đối với vấn đề quyền riêng tư. Các nhân viên Apple thường xuyên nhắc đến nguyên tắc "quyền riêng tư thông qua thiết kế": việc bảo đảm an toàn cho các dữ liệu cần phải được suy nghĩ và tính toán ở tất cả mọi công đoạn của quá trình thiết kế và sản xuất, và phải được mã hóa vào từng công đoạn cụ thể đó. Một ý tưởng khác cũng không kém phần quan trọng là việc thực thi "quyền riêng tư theo mặc đính", có nghĩa rằng Apple luôn tự nhủ rằng không được để dữ liệu người dùng bị thu thập, ngoại trừ những trường hợp thực sự cần thiết và được người dùng chấp thuận.
"Tôi phải nói với các bạn rằng những yếu tố về quyền riêng tư được cân nhắc ngay từ những công đoạn đầu tiên, chứ không phải để đến cuối mới nghĩ. Khi chúng tôi thảo luận về việc phát triển một sản phẩm mới, một trong những câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: làm thế nào để quản lý những dữ liệu người dùng được thiết bị này sử dụng?" Craig Federighi, Phó Giám đốc phụ trách phần mềm của Apple cho biết. Phóng viên trang tin The Independent Anh quốc đã có buổi phỏng vấn Federighi tại trụ sở Apple Park hào nhoáng mới của Táo khuyết. Federighi trao đổi với The Independent về cam kết của Apple đối với quyền riêng tư, lý giải vì sao yếu tố này lại chiếm vị trí trung tâm, cốt lõi trong hệ giá trị của công ty, ngay cả khi nhiều người dùng thậm chí còn không biết đến nó.
Nguyên tắc của Apple về quyền riêng tư rất đơn giản: công ty không muốn biết bất kỳ điều gì về người dùng của mình trừ phi cần thiết. Theo Federighi, Apple không có nhu cầu phải thu thập dữ liệu để tìm hiểu về đặc điểm người dùng nhằm phục vụ mục đích quảng cáo hướng đối tượng.
"Chúng tôi không hứng thú với việc tìm hiểu mọi thứ về bạn và chúng tôi cũng không muốn làm điều đó; mà chúng tôi nghĩ rằng bản thân thiết bị tự nó phải được cá nhân hóa vì bạn," ông cho biết. "Nhưng tất cả mọi thứ đều nằm trong quyền kiểm soát của bạn, chúng tôi không có bất kỳ động cơ nào khác".
"Và ngay cả về phương diện đạo đức, chúng tôi cũng không mong muốn làm như vậy. Và tôi nghĩ rằng, quan điểm của Apple trái ngược với rất nhiều, rất nhiều các công ty khác."
Việc thử nghiệm những con chip trong điều kiện khắc nghiệt như trên chỉ là một phần của nhiệm vụ. Bên trong những chiếc hộp bí ẩn còn có một linh kiện khác – một trong những thứ khiến Apple cảm thấy tự hào nhất – đó là con chip "Secure Enclave".
Con chip này có vai trò như một "chốn linh thiêng" nằm bên trong thiết bị, là nơi lưu trữ những thông tin nhạy cảm nhất của máy và được bảo vệ bởi tất cả các công nghệ bảo mật tiên tiến nhất cần có.
Lần đầu xuất hiện trên chiếc iPhone 5s, và ngày càng được phát triển, cải tiến qua từng năm, Secure Enclave hoạt động tách rời khỏi các thành phần khác của điện thoại. Có các quy định chặt chẽ về những linh kiện phần cứng hay các ứng dụng phần mềm nào được phép truy cập vào linh kiện này và khi nào thì chúng có thể làm điều đó. Bên trong Secure Enclave có chứa các đoạn khóa dùng để giải mã những dữ liệu nhạy cảm của điện thoại, chẳng hạn như các dữ liệu sinh trắc học của người sử dụng, dùng để đối chiếu vân tay được cài đặt trong máy với mẫu vân tay đang được đặt lên cảm biến. Một ví dụ khác là các khóa dùng để mã hóa tin nhắn, để chúng chỉ có thể được đọc bởi hai người: người gửi tin nhắn và người nhận tin nhắn đầu – cuối, không cho phép bất kỳ ai có thể can thiệp vào giữa quá trình đó.
Những khóa giải mã này cần phải được lưu trữ an toàn nếu muốn chiếc điện thoại không gặp phải những mối đe dọa về an ninh: các khóa đó sẽ giúp bảo vệ dữ liệu sinh trắc học của người dùng, và dữ liệu sinh trắc ấy lại chính là yếu tố giúp bảo đảm rằng dữ liệu bên trong chiếc điện thoại chỉ có thể được truy cập bởi người chủ thực sự của thiết bị. Mặc dù trong quá khứ Apple đã từng vướng phải một số "lùm xùm" liên quan đến quy trình bảo mật này – chẳng hạn như một số thử nghiệm (chưa được kiểm chứng hoàn toàn) cho thấy công nghệ nhận dạng khuôn mặt Face ID của hãng có thể bị đánh lừa bởi một số loại mặt nạ nhất định – song nhìn chung, các chuyên gia bảo mật đều thống nhất rằng cách tiếp cận của Apple đã đem lại hiệu quả.
"Công nghệ sinh trắc học không hoàn hảo, bằng chứng là thường xuyên có người đăng tải những mẹo vặt để "qua mặt" hệ thống đăng nhập bảo mật của Apple," Chris Boyd, nhà phân tích phần mềm độc hại hàng đầu của công ty Malwarebytes cho hay. "Tuy nhiên, nhìn chung chưa có mối đe dọa về bảo mật nào nghiêm trọng xảy ra kể từ khi Apple giới thiệu con chim Secure Enclave và công nghệ khóa giải mã firmware Secure Enclave trên chiếc điện thoại iPhone 5S hồi năm 2017. Điều đó thực sự rất xuất sắc."
Những lý lẽ và nguyên tắc rất nhân văn được Apple đưa ra là không thể chối cãi. Làm gì có người nào muốn thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ ngoài ý muốn đâu? Nhưng, như Steve Jobs đã nói, bản chất của thiết kế chính là hiệu quả sử dụng trong thực tiễn; mức độ bảo mật của một thiết bị chỉ có thể kiểm chứng và khẳng định thông qua thực tế sử dụng.
Như vậy, mục đích của các thử nghiệm có phần cực đoan đối với các con chip là để kiểm tra xem liệu chúng có hoạt động không đúng chức năng khi được đặt trong những tình huống khắc nghiệt nhất hay không – và nếu có, thì phải khắc phục ngay để bảo đảm những sai sót ấy chỉ xảy ra trong phạm vi phòng thí nghiệm, chứ không phải trên tay người dùng. Bất kỳ sai sót nào trong việc vận hành của con chip đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với chiếc điện thoại của người sử dụng.
Trong thực tế, những chiếc điện thoại thông thường hầu như không phải trải qua những điều kiện khắc nghiệt đến như vậy. Làm gì có mấy ai sử dụng điện thoại trong môi trường nhiệt độ thấp đến –40 độ C hay cao đến 110 độ C? Tuy nhiên, nỗi lo lắng không phải là không có cơ sở. Nếu con chip được chứng minh là sẽ trở nên kém an toàn dưới điều kiện như vậy, thì những người có ý đồ xấu sẽ cố tình đặt thiết bị vào trong môi trường tương tự, để trích xuất các dữ liệu nhạy cảm ra khỏi máy.
Nếu những lỗi như vậy bị phát hiện sau khi sản phẩm đã đến tay người dùng, thì Apple sẽ chẳng thể làm gì. Không thể thay đổi con chip sau khi máy đã được giao cho người mua – điều này khác với những bản cập nhật phần mềm. Do vậy, công ty cần phải rà soát và truy tìm tất cả các mối nguy hiểm có thể xảy ra ngay trong căn phòng này, và khắc phục chúng để đảm bảo con chip có thể đối phó với bất kỳ vấn đề nào xảy ra trong thực tế.
Những con chip có thể đã được chuyển đến phòng thí nghiệm này hàng năm trời trước khi chúng chính thức được tung ra thị trường; những tấm silicon ấy có thể đã nằm trong những chiếc hộp đặc biệt này để thử nghiệm hàng năm trời trước khi đến tay người tiêu dùng.
Cuối cùng, chúng sẽ được tích hợp vào những chiếc điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, đồng hồ thông minh Apple Watch mới và bất kỳ thiết bị điện toán "sang chảnh" nào mà Apple tung ra thị trường. Chi phí sản phẩm là một trong những điều khiến Apple bị các đối thủ "đá xoáy" và chỉ trích nhiều nhất; nhưng Apple lập luận rằng đó là "cái giá" của quyền riêng tư mà người dùng được tận hưởng. Các đối thủ vẫn thường xuyên công kích rằng Apple có thể "mạnh miệng" nói rằng hãng rất ít thu thập dữ liệu riêng tư của người dùng, bởi họ chắc hẳn đã cảm thấy thỏa mãn với mức doanh thu khổng lồ đến từ những sản phẩm "sang trọng" với mức giá cao ngất ngưởng… Đó cũng chính là ý kiến mới được CEO Google, ông Sundar Pichai đưa ra trong thời gian gần đây.
"Quyền riêng tư không thể là một món hàng sang trọng và chỉ được bán cho những người có đủ điều kiện và khả năng để mua những sản phẩm và dịch vụ cao cấp như vậy," Pichai viết trên tạp chí The New York Times. Ông không chỉ đích danh Apple, nhưng thực tế Pichai cũng chẳng cần phải làm như vậy thì mọi người mới hiểu ông đang nhắm tới ai.
Pichai lập luận rằng các dữ liệu người dùng sẽ giúp giảm giá thành của công nghệ, là một "cú đánh" vào lập trường của Apple bấy lâu nay, rằng cam kết của họ đối với quyền riêng tư của người dùng chỉ có thể thực hiện được nếu họ bán các sản phẩm ở mức giá cao. Với cách tiếp cận mềm dẻo hơn của các công ty khác, các sản phẩm tiên tiến của những công ty công nghệ lớn nhất nhì thế giới – từ Google đến Instagram – được cung cấp miễn phí cho người dùng toàn thế giới, ít nhất là cho đến thời điểm bài này được viết.
"Chúng tôi không muốn đề cập sâu về chuyện những sản phẩm "sang chảnh" của mình," Federighi nói với một thái độ khiến phóng viên tin rằng ông thực sự ngạc nhiên với những công kích như vậy từ dư luận.
"Trên một khía cạnh nào đó, nhiều công ty mới chỉ nỗ lực đánh bóng hình ảnh của mình như là một doanh nghiệp biết quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng, trong một vài tháng trở lại đây. Tôi nghĩ vấn đề này nằm ngoài khả năng của những chiến dịch truyền thông kéo dài vài tháng hay một số những thông cáo báo chí ngắn ngủi. Tôi nghĩ bạn cần phải nhìn sâu vào văn hóa doanh nghiệp, các giá trị và mô hình kinh doanh của các công ty đó thì mới thực sự hiểu được. Và đó là các yếu tố khó lòng thay đổi chỉ sau một đêm."
"Nhưng ở Apple, chúng tôi cố gắng để đặt ra một ví dụ nhưng đồng thời cũng là một chuẩn mực để cho khách hàng thấy một công ty thực sự quan tâm về quyền riêng tư của người dùng có thể làm gì cho họ, từ đó nâng cao đòi hỏi của người dùng ở các sản phẩm công nghệ mà họ mua, dù cho chúng được sản xuất bởi công ty chúng tôi hay của những doanh nghiệp khác. Và dĩ nhiên, cuối cùng thì chúng tôi vẫn luôn hy vọng có thể bán được sản phẩm của Apple cho tất cả mọi đối tượng khách hàng có thể - chứ không chỉ giới hạn như một món hàng xa xỉ."
"Chúng tôi tin rằng trải nghiệm sản phẩm tốt là điều mà mọi khách hàng xứng đáng được hưởng. Do vậy, chúng tôi luôn được truyền cảm hứng để phát triển những sản phẩm như thế," Federighi kết luận.
Nguồn: Kênh 14